Gỗ hương nói chung và gỗ hương đỏ nói riêng là một trong những loại lâm sản quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, rất nhiều gia chủ ưa thích sử dụng gỗ hương đỏ trong việc trang trí nhà cửa, tăng thêm phần sang trọng cho ngôi nhà. Vậy thì gỗ hương đỏ là gì, chúng có đặc tính như thế nào ? Cùng tìm hiểu đặc điểm và các loại gỗ hương phổ biến hiện nay trên thị trường qua bài viết này nhé.
Gỗ hương đỏ là gì?
Gỗ hương đỏ có tên khoa học là pterocarpus macrocarpus, thuộc họ Đậu, thân cao. Ở nước ta, gỗ hương đỏ còn có các tên gọi khác nhau như giáng hương, hổ bì,… Cây gỗ hương đỏ phát triển mạnh ở các nước thuộc khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia, Việt Nam (sống chủ yếu tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ). Hiện nay, loại gỗ này cũng đã được nhân giống tại Ấn Độ và các nước Nam Phi, Nam Mỹ.
Đặc điểm của loại gỗ này
Gỗ hương chủ yếu phát triển trên chất đất đỏ bazan và đất xám thuộc các vùng khí hậu nhiệt đới. Vì thế, đặc điểm của gỗ hương đỏ có:
- Khả năng thích ứng với nhiệt độ cao, thấp rất tốt
- Thân cây chắc, cứng có chiều cao từ 10-30m, tán lá rộng, chu vi thân có thể rộng 1,7m.
- Lá giống hình lông vũ, chiều dài lá từ 20-35cm
- Có hoa cánh dài từ 5-9cm, màu vàng. Quả to.
- Khả năng sinh sống mạnh bằng chồi từ gốc cũ hoặc từ hạt nảy mầm thành cây.
- Vân gỗ đa dạng và rất thu hút. Đặc biệt, khả năng chống mối mọt rất tốt nên độ bền cao. Vì thế, gỗ hương rất được ưa chuộng trong lĩnh vực nội thất và trang trí.
Các loại gỗ hương đỏ
Phân loại theo nguồn gốc xuất xứ, gồm có:
Gỗ hương Lào
Có nguồn gốc từ Lào, đây được coi là dòng gỗ hương đỏ cao cấp nhất và có chất gỗ đứng hàng đầu dòng. Gỗ hương Lào có màu sáng, vân gỗ rất đẹp, độ bền cao, đặc biệt có mùi hương rất nhẹ nhưng lại lưu lâu, ngửi dễ chịu, thanh mát.
Gỗ hương Campuchia
Xuất xứ từ Campuchia, có giá trị tương đương với gỗ hương Lào. Nhưng, về chất gỗ thì xếp thứ 2 sau gỗ hương Lào và cũng thuộc dòng gỗ hương cao cấp.
Gỗ hương Việt Nam
Ở nước ta, mỗi khu vực lại có khi hậu khác nhau, vì thế gỗ hương đỏ cũng được phân chia theo từng khu vực địa lý (Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai,…), Đông Nam Bộ (Đồng Nai, …). Ở mỗi nơi, gỗ hương đỏ sẽ có chất gỗ bằng hoặc kém hơn một bậc so với gỗ hương Lào, Campuchia. Tuy nhiên, mùi hương của gỗ hương Việt Nam cũng rất thơm và dịu nhẹ, lưu hương rất tốt.
Ngoài ra, loại gỗ này còn một số loại xuất xứ từ Nam Phi và Nam Mỹ nhưng khá kén người sử dụng:
- Gỗ hương Vân (Nam Phi) có mùi khá nồng, khó ngửi, nhưng chất gỗ tốt và nhiều vân đẹp, màu đỏ óng
- Gỗ hương Đá (Nam Phi) có mùi thơm dịu hơn gỗ hương vân, nhiều vân, chất gỗ tốt nhưng khá kén người sử dụng.
- Gỗ hương Xám (Nam Phi) vân gỗ nhiều nhưng chất gỗ kém, màu xám trắng lẫn vân đen đậm, thẩm mỹ không đẹp.
- Gỗ hương huyết (Nam Phi) có màu đỏ rực nhưng để lâu thì màu phai dần, chất gỗ tốt, mùi dễ chịu hơn.
- Gỗ hương Nam Mỹ có ít vân, không bị mối mọt nhưng có nhiều mùn khi thi công, cứng chắc.
Bảng giá gỗ hương đỏ
Giá trị của gỗ phụ thuộc vào tuổi đời phát triển và nguồn gốc xuất xứ. Gỗ hương Lào có giá thành cao nhất trong các loại, gỗ thô chưa xử lý có nguồn gốc từ Lào thì giá từ 40-70 triệu đồng/1m3. Gỗ hương từ Nam Phi mặc dù ít ưa chuộng nhưng giá thành cũng rơi vào khoảng 30 triệu/1m3.
Kết luận
Gỗ hương đỏ có giá trị cao về kinh tế lẫn nghệ thuật, vì thế, tùy thuộc vào mục đích và nhu cầu sử dụng cũng như điều kiện kinh tế mà lựa chọn gỗ của nước nào.